Trám răng là gì? Quy trình trám răng diễn ra như thế nào?

Phương pháp trám răng không chỉ hữu ích trong việc điều trị răng sâu hay răng bị mẻ mà còn giúp cải thiện tính thẩm mỹ cho hàm răng bị thưa. Mặc dù đây là một kỹ thuật nha khoa đơn giản, song bạn cũng có nguy cơ gặp tình trạng miếng trám bị mẻ nếu không biết cách chăm sóc răng sau khi trám đấy!

Trám răng là gì?

Trám răng hay hàn răng là một kỹ thuật nha khoa sử dụng vật liệu nhân tạo để bổ sung vào phần mô răng bị thiếu. Phương pháp này có thể mang lại hiệu quả cả về tính thẩm mỹ lẫn cải thiện chức năng nhai.

Ngoài trám răng do bị sâu răng là nguyên nhân phổ biến thì bạn có thể phải nhờ đến sự can thiệp của nha sĩ khi có lỗ hổng xuất hiện trên răng. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp sau:

1. Trám răng bị sâu

Sâu răng là tình trạng xuất hiện các lỗ hổng ở răng. Nguyên nhân là do hoạt động của vi khuẩn tích tụ khi bạn ăn những thực phẩm có đường và không chăm sóc răng đúng cách.

Nếu không được điều trị, lỗ hổng do sâu răng gây ra sẽ lớn dần, dẫn đến đau răng nghiêm trọng, nhiễm trùng và gãy răng. Một số dấu hiệu của sâu răng bạn có thể nhận biết là:

  • Răng đau bất chợt
  • Răng hay nhạy cảm
  • Xuất hiện lỗ hổng trên răng
  • Bề mặt răng bị đổi màu nâu, đen hoặc trắng
  • Răng đau sau khi ăn, uống đồ nóng, ngọt, lạnh…

Khi xuất hiện triệu chứng sâu răng, chiếc răng bị sâu sẽ cần được trám để làm đầy lỗ hổng trên thân răng, loại bỏ các triệu chứng khó chịu và giúp phục hồi thẩm mỹ cho răng.

2. Răng bị mẻ

Răng có thể bị nứt, mẻ khi bạn cắn phải thức ăn hay vật dụng gì quá mạnh hoặc có tác động cơ học mạnh làm ảnh hưởng đến cấu trúc răng.

Nếu vết nứt được phát hiện sớm, nha sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật trám tương tự như khi răng bạn bị sâu. Trước hết, bạn sẽ được vệ sinh răng để loại bỏ vi khuẩn, sau đó trám vật liệu vào chỗ răng bị mẻ.

3. Răng thưa

Nếu răng bạn bị thưa, đặc biệt là răng cửa thưa gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì bạn có thể nhờ đến phương pháp trám răng thẩm mỹ để tạo hình cho răng. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ nên áp dụng nếu khoảng hở nhỏ dưới 2mm.

Trường hợp khoảng hở lớn hơn, răng cửa sẽ trông khá to và mất cân đối sau khi trám nên nha sĩ có thể khuyên bạn chuyển sang các kỹ thuật khác như bọc răng sứ hoặc niềng răng.

4. Trám răng thay chỗ trám cũ

Phương pháp trám răng không phải là một kỹ thuật có tác dụng vĩnh viễn. Theo thời gian, chỗ trám sẽ dần bị mòn do hoạt động nhai và từ từ bong tróc, thậm chí rơi ra hoàn toàn. Do đó, các nha sĩ sẽ yêu cầu bạn phải hàn lại răng.

Quy trình trám răng diễn ra như thế nào?

Có hai loại trám răng phổ biến nhất hiện nay là trám trực tiếp và gián tiếp. Tùy vào mỗi kỹ thuật trám mà quy trình thực hiện sẽ có sự khác biệt.

1. Quy trình trám răng trực tiếp

Trám răng trực tiếp là quy trình nha khoa đơn giản và được áp dụng cho nhiều tình trạng răng. Quy trình này thường chỉ cần một buổi hẹn với nha sĩ là có thể hoàn thành.

  • Thăm khám và tư vấn: Trước tiên, nha sĩ sẽ kiểm tra chỗ răng cần trám, xác định kích thước và tư vấn cho bạn về một số loại vật liệu nên sử dụng cho chỗ trám.
  • Gây tê và vệ sinh chỗ cần trám: Nha sĩ sẽ gây tê cục bộ tại vị trí cần trám. Trong trường hợp răng sâu, chỗ sâu sẽ được cạo sạch bằng dụng cụ chuyên dụng, đồng thời loại bỏ vụn thức ăn hay cao răng.
  • Tiến hành trám: Nha sĩ sẽ đổ vật liệu dùng để trám vào lỗ sâu hoặc vị trí răng bị sâu đã được làm sạch. Ban đầu, vật liệu trám ở dạng lỏng, sau khi chiếu laser sẽ dần đông cứng lại trong khoảng 40 giây thông qua phản ứng quang trùng hợp.
  • Chỉnh sửa lại chỗ trám: Nha sĩ sẽ điều chỉnh lại vết trám và loại bỏ phần vật liệu trám dư thừa. Cuối cùng, bề mặt vị trí trám sẽ được làm nhẵn lại và đánh bóng để răng không bị cộm khó chịu.

Quy trình trám răng trực tiếp thông thường sẽ khoảng 20 –30 phút và thay đổi tùy theo tình trạng răng và vật liệu trám.

2. Quy trình trám răng gián tiếp

Quy trình trám răng gián tiếp (Inlay – Onlay) là phương pháp hiện đại, giúp giảm kẽ hở giữa miếng trám và mô răng. Bước thăm khám và gây tê ban đầu cũng tiến hành tương tự như phương pháp trám trực tiếp. Điểm khác là nha sĩ sẽ bắt đầu lấy dấu hàm răng và làm thành miếng trám bên ngoài.

  • Thăm khám và tư vấn: Trước tiên, nha sĩ sẽ kiểm tra chỗ răng cần trám, xác định kích thước và tư vấn cho bạn về một số loại vật liệu nên sử dụng cho chỗ trám.
  • Gây tê và vệ sinh chỗ cần trám: Nha sĩ sẽ gây tê cục bộ tại vị trí cần tiến hành trám. Trong trường hợp răng sâu, chỗ sâu sẽ được cạo sạch bằng dụng cụ chuyên dụng, đồng thời loại bỏ vụn thức ăn hay cao răng.
  • Lấy dấu hàm răng: Sau khi răng được làm sạch, nha sĩ sẽ lấy dấu răng để tạo hình miếng trám theo đúng hình dạng và kích thước lỗ hổng. Thông thường, các cơ sở nha khoa sẽ hẹn bạn vào một vài ngày tiếp theo để tiếp tục hoàn thành quy trình.
  • Gắn miếng trám lên răng: Miếng trám sau khi chế tác sẽ được gắn vừa khít lên răng bằng xi măng chuyên dụng.

Quy trình trám răng gián tiếp thường sẽ mất khoảng hai lần hẹn với nha sĩ, mỗi lần hẹn khoảng 30 – 45 phút.

Những vật liệu trám răng thông dụng

Có nhiều vật liệu trám rất đa dạng về chất liệu, màu sắc và giá thành. Mỗi loại đều sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định.

1. Amalgam

Trám răng bằng amalgam hay trám bạc (màu miếng trám như mảnh bạc) là một kỹ thuật nha khoa đã có từ lâu đời và có giá thành thấp nhất trong số các vật liệu trám hiện tại. Amalgam là hỗn hợp bao gồm bạc, thiếc, kẽm, đồng và thủy ngân (chiếm gần 50% hỗn hợp).

  • Ưu điểm: Vật liệu amalgam rất bền, có thể chịu được lực nhai tốt và giá thành cũng rẻ hơn các loại vật liệu khác.
  • Nhược điểm: Về mặt thẩm mỹ, trám bằng amalgam sẽ làm chỗ răng được trám có màu khác với các răng còn lại nên nhìn không tự nhiên.

2. Trám răng bằng composite

Trám răng bằng vật liệu composite là phương pháp có tính thẩm mỹ, hiệu quả cao và được nhiều người lựa chọn.

  • Ưu điểm: Vật liệu composite có màu ngà gần giống với sắc răng tự nhiên, nên rất thích hợp dùng cho những vị trí răng dễ nhận thấy.
  • Nhược điểm: Việc trám bằng composite thường sẽ không bền như trám bằng amalgam, chỗ trám chỉ duy trì được trung bình khoảng 5 năm, so với 10 – 15 như trám bằng amalgam. Hơn nữa, với tác động nhai thì chỗ trám bằng composite cũng sẽ không bền, đặc biệt là nếu dùng để trám những chỗ răng bị sâu có kích thước lớn.

3. Sứ

Trám răng bằng sứ inlay-onlay cũng là một kỹ thuật phổ biến hiện nay, phù hợp với những trường hợp răng bị sứt mẻ lớn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp hơn.

  • Ưu điểm: Vật liệu sứ có màu gần giống răng tự nhiên, sứ cũng có khả năng chống bám bẩn và ăn mòn tốt hơn so với vật liệu composite. Chỗ răng được trám bằng sứ có thể duy trì được hơn 10 năm.
  • Nhược điểm: Giá thành cao hơn các loại vật liệu amalgam và composite

4. Trám răng bằng vàng

Sử dụng cách trám bằng vàng hoặc một số kim loại quý khác như bạc, đồng sẽ tăng thêm độ cứng chắc cho miếng trám.

  • Ưu điểm: Vàng có thể chịu được lực nhai lớn và độ bền tốt nhất. Kim loại vàng cũng mang lại vẻ sang trọng và sẽ bị mài mòn chậm hơn so với những loại vật liệu khác.
  • Nhược điểm: Chi phí trám răng bằng vàng thường đắt hơn các vật liệu khác. Thông thường, bạn sẽ phải tới nha sĩ hai lần để thực hiện phương pháp trám này.

5. Chất liệu GIC

GIC (Glass Ionomer Cement) thường làm từ vật liệu polyacrylic axit và một thành phần của thủy tinh có tên gọi là fluoroaluminosilicate.

  • Ưu điểm: Trong GIC có chứa chất fluor giúp ngăn chặn tình trạng sâu răng trở nên nặng hơn. Vật liệu GIC thường gắn rất chặt vào răng và giảm thiểu tình trạng nứt ở chỗ vết trám.
  • Nhược điểm: Yếu tố thẩm mỹ của vật liệu GIC không được xem là ưu tiên hàng đầu do màu sắc không giống màu răng tự nhiên như vật liệu composite.

Mỗi vật liệu trám đều có ưu và nhược điểm riêng nên bạn cần tham khảo ý kiến của nha sĩ trước khi lựa chọn vật liệu trám phù hợp nhất cho răng.

Lưu ý khi bạn trám răng

Dưới đây là một số lưu ý cho bạn để xua tan nỗi lo liệu trám răng có đau không, hay những rủi ro có thể gặp phải và cách chăm sóc răng sau khi trám.

Trám răng có đau không?

Đa số các trường hợp trám sẽ diễn ra rất nhanh chóng và không hề gây đau đớn cho bạn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng răng bị tổn thương, cơ địa của mỗi người và vật liệu trám mà cảm giác đau có thể khác nhau.

Đối với những trường hợp bị sâu răng nặng hay tủy răng bị viêm, trước khi trám, nha sĩ cần lấy tủy nên bạn sẽ cảm thấy khá ê buốt.

Các vấn đề sau khi trám răng

Trám răng tuy là kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có tác dụng phụ nào. Bạn nên lưu ý một số vấn đề có thể xảy ra sau khi trám để biết cách xử lý phù hợp.

1. Răng đau nhức và nhạy cảm

Sau khi thực hiện trám, răng có thể nhạy cảm hơn với không khí, thức ăn hay nhiệt độ. Thông thường, sau một vài tuần, răng sẽ trở lại như bình thường và bạn sẽ không cần dùng đến thuốc giảm đau.

Nếu bạn thấy đau khi cắn thức ăn thì có thể là do chỗ trám có vấn đề và cần đến gặp bác sĩ ngay. Nếu bạn thấy đau khi răng chạm vào nhau thì đó có thể là do bạn trám răng nhiều lần, hoặc miếng trám bị cộm và cần bác sĩ chỉnh sửa lại.

Đôi khi, bạn có thể có cảm giác đau hoặc nhạy cảm ở những răng xung quanh răng mới trám. Tình trạng này có thể chỉ đơn giản là do răng mới trám đang truyền tín hiệu đau cho các răng lân cận và cơn đau sẽ tự hết sau từ 1 – 2 tuần.

2. Phản ứng với vật liệu trám

Phản ứng dị ứng với cách trám bạc là có thể xảy ra tuy rất hiếm. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), chỉ có dưới 100 trường hợp đã ghi nhận có phản ứng sau khi trám bạc. Trong những trường hợp này, thủy ngân hoặc một trong các kim loại trong hỗn hợp trám bạc được cho là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng. Các triệu chứng dị ứng với trám bạc cũng tương tự các triệu chứng dị ứng da điển hình như phát ban và ngứa.

Nếu bạn có tiền sử gia đình bị dị ứng với kim loại thì nên trao đổi trước với nha sĩ để tìm các vật liệu trám khác phù hợp hơn.

3. Vết trám bong tróc

Áp lực liên tục từ hoạt động nhai hoặc nghiến răng có thể làm cho vật liệu trám bị mòn, sứt mẻ hoặc bong tróc. Những thay đổi của vết trám nếu không chú ý sẽ dễ bị bỏ qua, do đó, bạn cần kiểm tra thường xuyên vết trám tại nhà và tuân thủ lịch khám răng định kỳ.

Nếu lớp đệm giữa men răng và chỗ trám bị vỡ, các vụn thức ăn và vi khuẩn gây sâu răng có thể thâm nhập, làm nguy cơ sâu răng trầm trọng hơn. Một số trường hợp có thể tiến triển thành viêm tủy răng hay gây ra áp xe răng.

Sau khi trám, bạn cần tuân thủ những lưu ý của nha sĩ và cẩn thận trong ăn uống, vệ sinh răng miệng cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Chăm sóc răng sau khi trám

Chỗ trám muốn giữ được lâu thì điều quan trọng nhất là bạn phải chăm sóc răng đúng cách sau khi đã thực hiện trám tại nha khoa.

1. Mới trám răng nên ăn gì và không nên ăn gì?

Hai giờ đầu sau khi trám, bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì để giúp vật liệu trám đạt độ cứng phù hợp và có thời gian thích ứng tốt với răng hơn. Bạn nên tránh ăn các thực phẩm cứng, dai, dính trong vòng 2 ngày, đặc biệt là nếu bạn trám bạc.

Nếu gặp phải tình trạng ê buốt răng, bạn nên hạn chế sử dụng thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh.

2. Bảo vệ chỗ trám

Bạn nên tránh cắn quá mạnh hay nghiến răng vì sẽ tạo áp lực lên răng, khiến chỗ trám dễ bị bong tróc. Bạn có thể chuyển sang nhai ở bên còn lại để chỗ trám có thêm thời gian phục hồi.

Để bảo vệ chỗ trám cũng như toàn bộ răng, bạn không nên cắn móng tay hoặc dùng răng để mở nắp hộp hay xé bọc thực phẩm.

3. Vệ sinh chỗ trám

Bạn cần chải răng bằng bàn chải lông mềm với lực vừa phải để tránh gây mòn. Sau khi ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều đường thì bạn nên súc miệng ngay, nếu không có sẵn nước súc miệng thì bạn có thể uống nhiều nước và súc miệng với nước.

Bạn nên đến kiểm tra lại chỗ trám sau mỗi 6 tháng để xem chỗ trám còn chắc không và kiểm tra sức khỏe răng miệng tổng quát.

Trám răng là dịch vụ nha khoa phổ biến mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ cơ sở nha khoa nào. Bạn nên chọn trung tâm nha khoa có chất lượng với tay nghề nha sĩ và trang thiết bị đảm bảo để duy trì chất lượng chỗ trám lâu dài. Đặc biệt, bạn đừng quên tham khảo thêm nhiều thông tin để hiểu rõ và an tâm hơn trước khi tiến hành kỹ thuật nha khoa này nhé.

Mời quý khách tìm hiểu các dịch vụ nha khoa của phòng khám Thuận Đức  tại đây.

Tham khảo: hellobacsi.com